NHỮNG CÁO BUỘC PHẢN ĐỘNG ?

Những ngày cuối tháng 02/2007 trên các phương tiện truyền thông TV, radio, báo Nhân dân của Việt nam đều đồng loạt đưa tin về vụ khởi tố, cáo buộc linh mục “Nguyễn Văn Lý và đồng bọn chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt nam”.

Và gần đây nhất theo các bản tin thời sự trên kênh VTV1 lúc 19:00 ngày 06/03/2007 và báo Nhân dân ra ngày 07/03/2007, công an Hà nội ( phòng điều tra PA24 – cơ quan điều tra An ninh thành phố Hà nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc và bắt tạm giam trong thời hạn 04 tháng đối với  luật sư Nguyễn Văn Đài, 38 tuổi, trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân tại số 10 – Đoàn Trần Nghiệp – Hà nội, kiêm giám đốc công ty TNHH dịch thuật và tư vấn Việt luật, cùng luật sư Lê Thị Công Nhân, 28 tuổi cùng làm việc tại Văn phòng luật sư Thiên Ân. Lý do bắt giữ được các bản tin nói trên công bố là “ vì đã vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự, tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam”.

Việc các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật khởi tố vụ án và bắt giữ người nghi phạm không có điều gì đáng bàn nếu tiến trình thực hiện của cơ quan thực thi pháp luật được tiến hành đúng với các qui định của pháp luật. Việc nhận định nguyên tắc này được áp dụng như thế nào trong trường hợp khởi tố linh mục Nguyễn Văn Lý và bắt giữ 02 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân cần phải có thêm thời gian. Ở đây, người viết xin được đề cập tới một số điểm sau đây:

1.      Khi nghe bản tin của VTV1 và đọc bản tin trên báo Nhân dân ( 02 cơ quan truyền thông chính thống của Nhà nước Việt nam hiện nay), người đọc có cảm tưởng linh mục Nguyễn Văn Lý và 02 luật sư trên đã vi phạm pháp luật thực sự, báo Nhân dân chạy hàng chữ đậm tại trang 08 “ … Nguyễn Văn Lý và đồng bọn chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt nam” “ Bắt hai đối tượng tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt nam”,  trong khi theo đúng trình tự tố tụng, việc khởi tố một vụ án hay khởi tố một cá nhân nào đó chỉ là thể hiện cơ quan thực thi pháp luật mới thấy những dấu hiệu ( chưa phải chứng cớ) tội phạm ( điều 13, điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự), những dấu hiệu đó có thể đúng, có thể sai và cơ quan điều tra cần tiến hành điều tra thêm để xác định rõ người bị khởi tố ( người bị nghi vấn) có thực sự vi phạm pháp luật hay không và để kết luận một người có vi phạm pháp luật còn cần phải trải qua nhiều thủ tục và các cơ quan tư pháp khác ( bản cáo trạng - viện kiểm sát; quyết định truy tố, xét xử - tòa án sơ thẩm; kháng án, kháng cáo – tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm). Thực tế cũng cho thấy rất nhiều người bị khởi tố thậm chí bị truy tố, bị kết án nhưng sau đó đã được xác định là vô tội. Mặc dù mới ở giai đoạn khởi tố, bản tin của báo Nhân dân đã không ngần ngại đưa tin như một sự kết tội: “ Cầm đầu và chủ mưu trong nhóm này ở Thừa thiên-Huế là Nguyễn Văn Lý”, “ Nguyễn Văn Đài là kẻ chủ mưu, Lê Thị Công Nhân là đồng phạm. Bọn chúng đã tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng, cấu kết với các đối tượng phản động trong và ngoài nước, chống phá Nhà nước và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng…” trong khi điều 09 bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành của Việt nam quy định rõ “ Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, như vậy báo Nhân dân - cơ quan trung ương của đảng Cộng sản Việt nam đã vô tình không biết các quy định của pháp luật hay đã cố tình đưa tin gây ngộ nhận cho độc giả. Ở đây, báo Nhân dân không hề có sự thận trọng, kiêng dè như khi đưa tin các vụ án liên quan tới các vị như “ nguyên thứ trưởng…”, “ nguyên phó chủ nhiệm… “, “ nguyên chủ tịch quận…”, “ nguyên bí thư quận…”, cùng là người dân nhưng sao không được nhìn nhận theo quan điểm “ bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật” ( điều 05 bộ Luật tố tụng hình sự ), cùng là người bị khởi tố  sao có người lại bị gọi là “ đối tượng”, “ bọn chúng”, có người lại được gọi là “ nguyên” với cái chức vụ đã qua. Như vậy ngay trong quá trình khởi tố linh mục Nguyễn Văn Lý , luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân đã có những dấu hiệu thông tin bị cơ quan truyền thông ( báo Nhân dân, VTV1) đưa tin trái với tinh thần khách quan, công bằng của của pháp luật, gây bất lợi cho vị linh mục và 02 luật sư đang bị nghi vấn.

2.      Trong những điều cơ quan điều tra an ninh Việt nam cáo buộc vị linh mục và 02 luật sư nói trên có những thuật ngữ cần phải minh định rõ trong quá trình điều tra, tố tụng:

-         “ Chống phá”

Khi nói đến “ chống phá” thường làm cho mọi người nghĩ tới sự phá hoại, gây hỏng hóc, tiêu cực. Nhưng ngược lại, nếu như có một ngôi nhà đang mục ruỗng, xiêu vẹo sắp đổ ụp xuống đầu mọi người mà lại có một người  tự nguyện đứng ra “ chống” cho ngôi nhà đó đỡ bị đổ ụp bất ngờ hoặc lên tiếng công khai với mọi người là cần phải cùng nhau bàn bạc, xúm tay vào “ phá” ngôi nhà mục ruỗng đó đi, cùng xây ngôi nhà khác tốt hơn, an toàn hơn thì rõ ràng người khởi xướng sự “ chống phá “ đó chắc chắn không thể bị những người ở trong ngôi nhà đó cho là tiêu cực nếu không muốn nói sẽ được tán thưởng, vinh danh vì đã có tâm huyết lo lắng cho việc chung. Chỉ có những kẻ không ở trong ngôi nhà đó và/hoặc đang có lợi vì ngôi nhà mục ruỗng đó mới có thể cho người khởi xướng “ chống phá” đó là tiêu cực. Đó là Ngôi nhà – một vật hữu hình xác định được bằng mắt thường mà còn dễ bị chụp mũ/ngộ nhận như thế, trong khi Nhà nước lại là một khái niệm vô hình nhưng vô cùng quan trọng hơn vì nó liên đới tới cả một Dân tộc thì càng cần phải thận trọng trong suy xét gấp bội kẻo có người bị gọi là “chống phá” nhưng lại là “ xây dựng”, còn những kẻ được gọi hay tự nhận là “xây dựng” là “ Vì dân, vì nước”  thì lại chính là “ chống phá”, do đó vị linh mục và 02 luật sư bị cáo buộc là “ chống phá Nhà nước” trong trường hợp này cần phải được xem xét rất cẩn trọng và chỉ có một cách duy nhất để xác định sự thật là các chứng cớ ( nếu có), các phiên tòa ( nếu có) của 02 vụ án này cần phải được Công khai, Minh bạch cho mọi người quan tâm được chứng kiến, tham gia xem xét, bình luận. Còn nếu hai yếu tố Công khai, Minh bạch không được đảm bảo trong qua trình tố tụng, bất luận vì lý do gì, thì điều đó hiển nhiên đã tự chứng minh cho người dân biết vị linh mục và 02 luật sư bị cáo buộc hay những người cáo buộc họ là người Chống phá Dân tộc, Đất nước Việt nam!! Trong khi đó lịch sử phát triển của xã hội loài người cũng là lịch sử của sự thay đổi các hình thái Nhà nước mục ruỗng, suy đồi bằng các Nhà nước tiến bộ hơn.

-         “ Phản động”

Theo từ điển tiếng Việt năm 1994 của nhà xuất bản khoa học xã hội Việt nam do Hoàng Phê chủ biên, có bút tích của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “  …Đây là quyển sách cần thiết cho những người muốn tìm hiểu, học tập, trau dồi tiếng Việt.” Mục từ “phản động” được định nghĩa: có tính chất chống lại cách mạng, chống lại sự tiến bộ. Tra mục từ “cách mạng”: 1. Cuộc biến đổi xã hội-chính trị lớn và căn bản, thực hiện bằng việc lật đổ một chế độ xã hội lỗi thời, lập nên một chế độ xã hội mới, tiến bộ.2. Cuộc đấu tranh nhằm thực hiện một cuộc cách mạng xã hội.3. Quá trình thay đổi lớn và căn bản theo hướng tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó. Tra mục từ “ tiến bộ”: 1. Phát triển theo hướng đi lên, trở nên tốt hơn trước.2. Phù hợp với xu hướng phát triển của lịch sử, của thời đại.

Trên cơ sở cách giải thích nghĩa này của từ “ phản động”, ít nhất 30 năm trở lại đây tại Việt nam chưa bao giờ có một cuộc “lật đổ chế độ” nào và cũng chưa thấy Nhà nước Việt nam thừa nhận có một “cuộc đấu tranh nhằm thực hiện một cuộc cách mạng xã hội” để cho ai đó chống lại, do đó chỉ còn một khả năng để có thể kết luận ai đó là “phản động” nếu chứng minh được người đó đang có những hoạt động đi ngược lại xu hướng tiến bộ của lịch sử, của thời đại như : xây dựng Nhà nước pháp quyền với nguyên tắc pháp luật là thượng tôn, bao gồm cả việc tôn trọng và thực thi các công ước, cam kết quốc tế mà Việt nam đã gia nhập; Xây dựng một xã hội dân sự trong đó các quyền cơ bản của con người ( Nhân quyền) như Tự do ngôn luận, Tự do lập hội, đảng phái, Tự do Tín ngưỡng được đảm bảo hoặc chứng minh được người đó đang cố gắng duy trì những tệ nạn xã hội suy đồi như Tham nhũng, Quan liêu, Cửa quyền, Mua quan bán chức, Tệ nạn bằng giả, học vị giả, Tệ nạn hành xử vô lối của cơ quan pháp luật, v.v

Trong khi đó cái nhà nước hiện nay là tiến bộ hay lỗi thời khi nhà nước đó dùng lực lượng vũ trang ngang nhiên bao vây, giam cầm người dân ngay tại gia mà không hề có bất kỳ một văn bản cho phép nào, nhà nước đó là phản động hay tiến bộ khi mà nhà nước đó vẫn cố tình biện hộ cho một chủ nghĩa không tưởng ngoại lai đã bị lịch sử đào thải, nhà nước đó là lành mạnh hay thối nát khi hệ thống công quyền của nhà nước đó được mệnh danh là hệ thống “ hành dân là chính”, nhà nước đó là phản dân hay vì dân khi Quốc hội là cơ quan của dân nhưng người có chức quyền chiếm đến 90%,…

-         “ Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng”

Xem xét trong toàn bộ hệ thống luật pháp Việt nam hiện nay chưa thấy có một điều luật nào cho phép kết tội vì “ phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam”, hơn nữa ngay trong điều lệ của đảng cộng sản Việt nam cũng có quy định rõ đảng “ chịu sự giám sát của nhân dân”, do đó nếu người dân nào thực hiện việc giám sát, quan sát thấy đảng không đủ năng lực, tư cách trong việc “ cầm quyền” thì người đó có quan điểm không tán thành, không chấp nhận (phủ nhận) vai trò lãnh đạo của đảng nữa cũng là chuyện thường tình và sự phản biện đó là rất cần thiết đối với vai trò của người giám sát. Còn nếu ai đó viện dẫn điều 04 trong bản Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001) rằng “ Đảng cộng sản Việt nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…” để áp chế những quan điểm không tán thành sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam thì người viết ở đây xin khẳng định rằng điều 04 đó là sự tiếm danh, vô giá trị bởi lẽ bản Hiến pháp đang áp dụng hiện nay cũng như các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 đều là các bản văn không phù hợp với thủ tục tu chính Hiến pháp theo bản Hiến pháp đầu tiên của chính thể Việt nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã qui định.  Điều 70 Hiến pháp năm 1946 ghi rõ như sau:

Sửa đổi hiến pháp phải theo cách thức sau đây:

a/ Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.

b/ Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.

c/ Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Như thế rõ ràng các bản văn gọi là Hiến pháp sau năm 1946 đã không đáp ứng đầy đủ các quy định “ sửa đổi hiến pháp” đã được hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên của Việt nam năm 1946.

Do vậy, (chính) những quan điểm cáo buộc người “phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng” là những quan điểm phản luật, phản tiến bộ ( phản động). Hơn ai hết chính đảng cộng sản Việt nam phải xem lại vai trò bất hợp pháp của mình trong điều 04  “hiến pháp” năm 1992 nếu như đảng cộng sản Việt nam thực sự muốn đồng hành cùng sự phát triển của Dân tộc Việt nam nói riêng và Nhân loại nói chung.

Với những điểm đã đề cập trên đây công chúng có thể thấy rõ linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân đang bị cáo buộc vào những điều luật với những thuật ngữ hết sức mập mờ, dễ bị xuyên tạc, bị áp đặt bất lợi cho người bị cáo buộc. Nếu như sự cáo buộc cũng như quá trình tố tụng không đảm bảo được tính Công khai, Minh bạch – xu hướng tiến bộ của Nhân loại, thì chính những cáo buộc, truy tố đó là phản động. Lịch sử luôn cho thấy lực lượng bảo thủ, phản động có thể tạm thời giam cầm, bức hại được thân thể của những con người khát khao, đấu tranh cho sự Tiến bộ nhưng đã và mãi không bao giờ có thể triệt hạ được những tư tưởng khát khao cho sự Tiến bộ của Nhân loại.

Phạm Hồng Sơn

08/03/2007 

Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân hoạt động chống phá Nhà nước CHXHCNVN đã bị bắt?

 

(Thứ tư ,  07/03/2007, 17:59)

http://www.congan.com.vn/vi_binh_yen_cuoc_song/2007/03/mlnews.2007-03-07.8989214819/view?searchterm=Nguy?n%20van%20Ðài

 

Ngày 6-3-2007, Cơ quan an ninh điều tra, Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc và nơi ở đối với Nguyễn Văn Đài, SN 1969, trú tại P302-Z8 Tập thể Bách Khoa, Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Ân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và dịch thuật Việt Luật, trụ sở tại số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội; và Lê Thị Công Nhân, SN 1979, trú tại P48 A7, Tập thể Văn phòng Chính phủ, Đống Đa, Hà Nội về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Nguyễn Văn Đài

Nguyễn Văn Đài quê gốc ở Châu Giang, Hưng Yên. Năm 1989 Đài đi xuất khẩu lao động tại Đức, một năm sau về nước và theo học Đại học Luật Hà Nội. Sau khi lấy vợ, Đài bắt đầu manh nha có tư tưởng chống đối chính quyền. Lợi dụng danh nghĩa luật sư, từ năm 2004, Đài thường xuyên tiếp xúc với một số đối tượng cực đoan để thu thập cái gọi là “bằng chứng Việt Nam đàn áp tôn giáo” để cung cấp cho các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong. Thấy Đài có tư tưởng chống phá Nhà nước, một số tổ chức thù địch nước ngoài và bọn phản động lưu vong người Việt như: Việt Tân, Họp mặt dân chủ, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam... nhiều lần đưa Đài ra nước ngoài dưới hình thức du lịch, tham quan để tuyên truyền các quan điểm chính trị phản động, huấn luyện về cách thức thành lập, phát triển tổ chức phản động ở Việt Nam, kỹ năng chống sự phát hiện của cơ quan an ninh và được bố trí gặp gỡ với những đối tượng cầm đầu một số tổ chức phản động lưu vong... Chính những tổ chức này đã giao nhiệm vụ cho Đài về Việt Nam thành lập Văn phòng luật sư Thiên Ân làm trụ sở trá hình trong nước của bọn phản động lưu vong. Nhận được tiền tài trợ của các thế lực này nên cho đến nay, mặc dù không tham gia bào chữa cho bất kỳ một thân chủ nào nhưng Đài vẫn có tiền để trả lương cho nhân viên, chi phí đi lại, mua sắm phương tiện (lương cứng của Đài khoảng 700USD/tháng), các nhân viên giao động từ 150-300USD/tháng và được trang bị phương tiện kỹ thuật. Theo thống kê ban đầu, Nguyễn Văn Đài đã nhận được 60.000USD của tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam và Họp mặt dân chủ... Hàng ngày, Đài cử nhân viên đi các địa phương trong cả nước gặp gỡ các phần tử cực đoan để thu thập thông tin chuyển cho bọn phản động lưu vong. Hàng tuần, Đài họp với Vũ Quốc Dụng, Phạm Nam Đinh... là các đối tượng phản động lưu vong để thống nhất biện pháp hoạt động chống đối.

Bên cạnh đó, Đài đã móc nối, tư vấn cho một số đối tượng chống đối trong nước như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Lý, Đỗ Nam Hải và tụ họp các phần tử chống đối ở TPHCM để thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam; tuyên bố thành lập ra các tổ chức phản động trên mạng như khối 8.406, công đoàn độc lập, ủy ban nhân quyền Việt Nam... với mưu đồ chống chính quyền nhân dân. Một số tổ chức ở nước ngoài xác định Nguyễn Văn Đài là con bài để thực hiện “dân chủ” ở Việt Nam nên đã kích động Đài làm “ngọn cờ” tập hợp lực lượng cái gọi là “dân chủ”.

Lê Thị Công Nhân

Mặc dù còn khá trẻ nhưng Lê Thị Công Nhân đã sớm có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước và được các tổ chức phản động “đánh giá cao”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Hà Nội, năm 2004 Nhân vào làm việc tại đoàn Luật sư Hà Nội. Với nhiệm vụ thư ký quan hệ quốc tế, năm 2005, Nhân ra nhập thành viên Liên minh luật sư quốc tế (UIA). Năm 2005, Nhân đăng ký hành nghề tại Văn phòng luật sư Thiên Ân. Lê Thị Công Nhân công khai hoạt động chính trị từ tháng 4-2006 khi tham gia ký tên ủng hộ “Tuyên ngôn tự do, dân chủ cho Việt Nam 2006” và tham gia khối 8406 do Nguyễn Văn Lý lập ra. Tháng 7-2006, Nhân đọc được dự thảo cương lĩnh đảng thăng tiến Việt Nam trên trang web tiếng Việt của đài BBC, Nhân đã gửi thư ủng hộ và tham gia đăng ký tham gia ra nhập đảng này và tự nhận là phát ngôn viên của đảng tại Hà Nội. Lê Thị Công Nhân vào Huế tiếp xúc với Nguyễn Văn Lý và các đối tượng khác chuẩn bị các tài liệu  như cương lĩnh tạm thời phục vụ cho việc công bố công khai đảng thăng tiến Việt Nam. Nhân đã viết một số tài liệu như: “Sự thật về việc bãi bỏ Nghị định 31/CP ngày 14-4-1997”. Cuối năm 2006, tổ chức Đàn chim Việt ở Ba Lan đã mời Nhân sang tham dự hội nghị về quyền lao động có tổ chức với mục đích thành lập công đoàn độc lập. Nhân đã soạn thảo nhiều tài liệu chuẩn bị tham dự hội nghị. Từ khi được phong là phát ngôn viên của đảng “Thăng tiến Việt Nam”, Lê Thị Công Nhân nhiều lần trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài, tuyên truyền xuyên tạc sự thật trên mạng, kích động tư tưởng đa nguyên theo kiểu phương Tây. Nghiêm trọng hơn, Nhân còn sử dụng văn phòng luật sư Thiên Ân để mở lớp tuyên truyền luận điệu, tư tưởng phản động cho một số sinh viên và các tín đồ. Nhân đã soạn thảo nhiều bài giảng về “dân chủ, nhân quyền” với ý đồ tạo ra một lớp người có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước. Ngày 3-2-2007, Công an Hà Nội đã phát hiện ra lớp học này khi Nhân đang “giảng bài” cho một số sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình Hà Nam. Ngay sau đó, cơ quan công an đã tiến hành đấu trang và áp dụng các biện pháp tố tụng đối với Nhân và Đài.

Khám xét nơi ở và làm việc của Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, cơ quan điều tra đã thu giữ 5 ổ cứng máy vi tính, 1 webcam, 1 moderm dùng để kết nối Internet nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu, chống đối chế độ, đòi đa nguyên đa đảng; nhiều tài liệu liên quan đến việc thành lập, công bố các tổ chức phản động
...