Nguyễn Phương Anh: NGUY CƠ… “ĐOÀN DUY THÀNH" 

Trong một vài năm trở lại đây , trên các báo chí thường nói đến các việc như sau : Khan hiếm tiền đồng trong ngân hàng (các doanh nghiệp khi rút tiền mặt từ 100 triệu trở lên phải đăng ký trước ), thiếu tiền lẻ , đồng việt nam tăng giá , … Các bước thực hiện để giải quyết “nạn” trên mà chúng ta thấy đang hiện hành là : Kêu gọi sử dụng tài khoản , thanh toán qua tài khoản, tăng lãi suất tiền gửi, tăng cố phần hoá , tăng cường bán đất cho nhân dân, tăng cường thu thuế số đỏ, vàng , xanh… , sẽ in tiền mệnh giá nhỏ , sẽ “in thêm tiền để mua đô la vào nhưng cân nhắc lạm phát “..vv..vv.

Ta hãy xem xét các khía cạnh một , đầu tiên là khan hiếm tiền mặt : Các biện pháp nêu ra để giải quyết có mang tính chất tích cực như : kêu gọi dùng thanh toán qua tài khoản, tăng lãi suất,  …chỉ cũng là một biện pháp tạm thời bởi vì nguyên nhân chính không phải là thiếu thực sự tiền mặt mà lý do là lượng tiền mặt hiện đang ở trong nhân dân , do nhân dân nắm giữ và như vậy trong công cuộc kinh doanh, làm ra của cải thì các doanh nghiệp, nghành nghề nhà nước đang nắm đã hoàn toàn làm ăn thua lỗ không lấy đâu ra tiền để nộp vào ngân sách , ngân sách cứ đưa ra đồng nào là bị lỗ , không có khả năng sinh lãi…nếu cứ tăng lãi suất , hay kêu gọi thanh toán qua tài khoản thì chỉ là biện pháp kéo dài sự mất cân đối của phe nhà nước mà thôi, sự cầm cự này sẽ không được lâu và nguy cơ sập tiệm , lạm phát là rất lớn. Nếu nhà nước có các loại tiền khác như USD, EU…Vàng trong kho thì nên bán ra để mua vào tiền VNĐ nhằm trang trải chi phí cho bộ máy , hay là trong kho hết tiền rồi nên mới phải làm thế này - đó là tăng cổ phần hoá và tăng việc bán đất cho nhân dân, thu thuế sổ đỏ… để thu tiền cho ngân sách… thì đây lại là hành vi móc túi chứ không mang tính chất quản lý , hành vi này đã được nhiều người trong bộ máy nhà nước tiến hành để móc túi người dân nhằm giữ vững bộ máy đang có sẵn , để lý giải hành vi này ta thấy một ví dụ nhãn tiền đó là cách làm mà Ông Đoàn Duy Thành đã làm ngày xưa (Ông kể lại trong Hồi ký) : đó là nhập Vàng về để bán cho dân nhằm thu tiền để trả lương cho bộ máy nhà nước, đảng, chính quyền…Ông tự hào cho đây là phát minh, sáng kiến của mình, nhưng trên thực tế đây là hành vi móc túi người dân một cách thô bạo , ta hãy nghĩ xem việc kinh doanh buôn bán Vàng đến tận bây giờ vẫn còn là độc quyền nhà nước, họ áp đặt giá bán trong nước và giá mua thì nhân dân không thể biết hết được. Nếu thẳng thắn ra thì phải cho người dân quyền lựa chọn mua Vàng thì mới đúng , đằng này bán cắt cổ cho dân nhằm tước đoạt tài sản tích cóp của dân (cướp đoạt qua giá trị thật sự của hàng hoá) thì không thể là đúng , mà đó chỉ có thể là mánh lới láu cá, ăn chặn, móc túi mà thôi. Rồi việc Ông mua 50% cà phê của dân với giá 600 USD/tấn và cho dân bán ra ngoài 2000 USD/tấn cũng là hành vi áp bức nữa , dân phải đồng ý vì họ nghĩ rằng thà bị bóc lột 50% còn hơn là bị mất cả, Ông- đại diện cho chính quyền- cậy quyền cậy thế áp bức người dân quá xá. Hiện nay Việt nam đang gia nhập vào kinh tế thị trường nên việc móc túi qua các hàng hoá thông dụng như Vàng, cà phê …là khó nên các vị theo “lô gíc” ĐDT lại nghĩ ra mẹo mới đó là : cố phần hoá , bán đất…nếu cố phần hoá, bán đất là biện pháp tốt thu tiền về ngân sách để nâng cao đời sống nhân dân , tăng phúc lợi …thì rất tốt nhưng số tiền cố phần, bán đất đó đâu hết rồi ? Sao cứ thiếu tiền mặt luôn luôn, luôn phải bán đất năm này qua năm khác ?. Mặt khác các công ty nhà nước đang cổ phần hoá hay đất đai cũng là của dân cả chứ có phải của ai khác đâu, cứ lợi dụng cầm nắm tài sản của dân ra để bán cho dân thì gọi là gì ? rõ ràng là hành vi móc túi của dân, nếu nguỵ biện gọi là bán đất để lấy tiền xây cầu phà , đường bộ, chung cư…phục vụ lợi ích toàn dân thì tiền thu phí đường, cầu đâu hết rồi , tiền bán chung cư để đâu? chắc nó phải cao hơn tiền bán đất nhiều , cứ lấy đó mà đầu tư tiếp lại sinh lãi chứ mỗi năm lại bán đất một lần là vô lý, một thí dụ nhỏ là Cầu Chương Dương sau có chục năm mà thu gấp hàng mấy chục lần vốn bỏ ra đấy thôi, vấn đề cơ bản ở đây là vốn bỏ ra không hiệu quả cứ cụt hết vốn năm này đến năm khác, mặt khác nguồn vốn từ Thuế thu được của dân cũng rất lớn chứ đâu phải nhỏ và còn vốn vay ODA rồi sự giúp đỡ không hoàn lại nữa chứ. Chưa kể các hành vi giải toả , đền bù đất cho dân giá bèo bọt để rồi bán với giá gấp hàng trăm lần cho “dân khác” cũng là hành vi mọi rợ,coi thường nhân dân, coi thường đạo lý. Đúng ra phải lập được chính sách đầu tư như Phú Mỹ Hưng là thuê đất sòng phẳng , cải tạo đất, xây dựng… và đem lại lợi nhuận vào ngân sách để phục vụ cho dân (ở đây nói đến chính sách làm được như PMH chứ không phải cho các tập đoàn như PMH vào để đem lợi về chính quốc). Một nhà nước, chính quyền yếu kém…thì phải bị nhân dân sa thải để cơ cấu khác lên theo đúng như Hồ Chủ Tịch đã nói, chứ không phải lợi dụng quyền lực để ăn hiếp nhân dân . Nói sâu xa thì hiện nay việc nộp thuế sổ đỏ không được dân hưởng ứng (nhà của tôi, tôi cứ ở cần gì phải nộp hàng trăm triệu ?), đấu giá đất của các tỉnh thành đã không còn được người dân mặn mà mua như trước , chưa kể nhiều nơi không ai thèm đăng ký mua vì giá đắt , hệ quả sẽ là sẽ phải giảm giá để bán tràn lan nhằm thu hồi tiền để phục vụ cho bộ máy cồng kềnh, luôn lỗ nặng và đến lúc nào đó một việc nảy sinh ý nghĩ kiểu ĐDT là sẽ phải xảy ra trên phương diện toàn bộ các lĩnh vực kinh tế mà mầm mống đã có như : Thuế thu nhập cá nhân sẽ từ 1 triệu đồng trở lên, tăng giá xăng, tăng giá điện, nước, tăng học phí, tăng các loại phạt vi phạm, …tăng phát hành công trái, trái phiếu, cổ phiếu và cuối cùng là tăng việc in Tiền với những lý do “hợp lý”.

Việc thiếu tiền lẻ trong lưu thông có một vấn đề liên quan mật thiết đến toàn dân , đó là khi chưa mở cửa kinh tế thị trường thì lượng tiền lưu thông chỉ chủ yếu ở thành thị với số dân ít , nhưng nay việc buôn bán kinh doanh đã hầu như gõ cửa từng nhà, từng hộ dân trên toàn quốc , nghĩa là thị trường đã mở rộng cho cả 80 triệu dân, nên lượng tiền nhỏ bị trải đều ra cho 70% dân số là nông nghiệp, số tiền nhỏ này cũng là sự tích cóp của dân qua nhiều năm qua , việc cứ tiếp tục in tiền mệnh giá nhỏ ra để phù hợp nhu cầu tiêu dùng sẽ là hành vi móc túi vì làm giảm giá trị của đồng tiền dân đang giữ (lạm phát), tất nhiên hệ quả in tiền là do nhân dân đã không còn mặn mà với công trái, trái phiếu, cổ phiếu chính phủ từ lâu rồi- đó là sự phản kháng với việc làm ăn lỗ lã của bộ máy nhà nước, dân không tin nữa, một việc nữa đó là sự việc đồng Việt nam đang tăng giá so với USD mà lại in tiền ra để mua vào nhằm giữ lợi thế cho việc xuất khẩu (làm giảm giá VNĐ xuống mức cũ) là hành vi móc túi, các nước khác họ có thể làm cách khác như bán Yên để mua Đô hay bán EU để mua Đô…hoặc bỏ quỹ tiền nội địa ra để mua (điều tiết quản lý nhà nước) chứ không phải là in tiền nội địa ra để mua!. Việc VNĐ tăng giá nhà nước ta phải vui mừng mới đúng-nếu trong quỹ nhà nước ta có giữ VNĐ nhiều, đằng này nhà nước ta chả còn đồng nào trong quỹ cả ?. Việc in tiền để mua Đô vào làm cho xuất khẩu giữ nguyên lợi thế nhưng lại chính là móc túi các đối tượng bán hàng cho nhà xuất khẩu (toàn dân), tức là họ vẫn chỉ thu được từng ấy tiền VNĐ nhưng lại bị chịu tác động lạm phát nhiều hơn, chưa kể người dân còn bị thiệt vì không có cơ hội mua hàng rẻ do mua bằng USD. Nếu USD về nhiều thì tự nhân dân, tự thị trường sẽ điều chỉnh, sẽ có nhiều dịch vụ, hàng hoá được trao đổi bằng Đô…hoặc giả nhà nước đứng ra quản lý bằng cách tăng lãi suất USD để lấy vào và cho nước khác vay ? hoặc cho chính mình vay ? như nhiều người nói đâu cần phải đi vay nước ngoài mà lãi suất là cắt cổ như trong vụ VINASHIN. 

Rõ ràng trong những năm gần đây , từng người dân ta đã và đang chứng tỏ tính ưu việt trong sự phát triển kinh tế, họ đang có những tích luỹ “tư bản” thực chất từ công sức, trí tuệ và đấy chính là nền tảng cho việc dẫn đến dân giàu nước mạnh, rất mong các cơ quan nhà nước hãy tìm cách thay đổi phương cách quản lý để có ngân sách hùng mạnh chứ không như kiểu “Đoàn Duy Thành”- kiểu móc túi.

Hà nội, 1/2/2007.

Nguyễn Phương Anh.