Bãi bỏ nghị định 31 là một âm mưu?
VOA phỏng vấn TS Nguyễn Thanh Giang, BS Nguyễn Đan Quế, KS Đỗ Nam Hải, ĐB Dương Trung Quốc
Giới Thiệu:
Thưa quý vị, hồi đầu tuần này các giới chức ở Hà Nội đã xác nhận nguồn tin của các hãng thông tấn quốc tế là chính phủ Việt Nam đang xem xét việc hủy bỏ nghị định 31/CP về quản chế hành chánh - một công cụ pháp luật chính yếu mà họ đã sử dụng trong gần 10 năm qua để trấn áp các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một nhượng bộ quan trọng mà Hà Nội đưa ra trước áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.
Trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây Duy Ái sẽ trình bày thêm một số chi tiết về diễn tiến đáng chú ý này.
Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả VOA. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài VOA thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi sử dụng.
Ts Nguyễn Thanh Giang: Những người bị 31CP hành tội đầu tiên là nhóm sỹ phu Đà Lạt. Ngày đó nó khốc liệt đến mức nhà thơ Bùi Minh Quốc có gởi một cái thư ra để mô tả về hoàn cảnh của nhà thơ : suốt 2 tháng trời phải liên tục đi lên phường để thẩm vấn hàng ngày, suốt cả ngày! Đến nỗi đến ngày giỗ của vợ mình là liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý thì xin phép chính quyền để được mời một số bạn bè như nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, tiến sĩ Hà Sỹ Phu đến để ăn giỗ cũng không được cho.
Cho nên khi tôi đọc bức thư ấy cho ông bí thư thành ủy Hải Phòng ngày xưa là cụ Hoàng Hữu Nhân nghe thì cụ ấy thấy cảnh tang thương như thế, cụ ấy phải bật lên mà khóc.
Duy Ái: Quý vị vừa nghe lời kể của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về một tình cảnh mà ông gọi là tang thương ở Việt Nam phát sinh từ Nghị Định 31CP do thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt ký ban hành vào ngày 14/4/1997. Nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền nổi tiếng này đã kể lại như thế không lâu sau khi ông Lê Dũng, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam xác nhận những bản tin của các hãng thông tấn quốc tế nói rằng chính phủ Hà Nội đang xem xét tới việc hủy bỏ nghị định về quy chế quản lý hành chánh này trước khi tổng thống George W. Bush của Mỹ đến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 11.
Theo bản tin hôm thứ Năm của TTX Việt Nam thì ông Lê Dũng nói rằng hành động này là để thích ứng với tình hình Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Dũng nói thêm rằng khía cạnh nhân đạo của nghị định 31/CP là nó ngăn chận những hành vi dẫn tới tội phạm. Và theo ông thì đây là một trong các biện pháp mà hầu như tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng để ngăn chận và kiểm soát tội phạm.
Giáo sư Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội không tán đồng nhận định của người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam.
Ts Nguyễn Thanh Giang: Nghị định 31CP phải nói là rất dã man, nó có thể dẫn đến giết người vì nghị định này quy định là người quản chế chỉ được ăn ở và đi lại trong phạm vi của một phường, một xã. Không cho người ta đi làm ăn. Không cho người ta đi giao du, thăm bạn bè đã đành nhưng cũng không cho người ta đi làm để kiếm sống nữa. So với những người trong tù thì những người bị nghị định 31/CP này còn khổ hơn. Vì người trong tù còn được nuôi cơm, còn những người bị nghị định 31/CP này hành thì không những không được nuôi cơm mà cũng không cho được đi kiếm cơm. Một nghị định như vậy quả thực là cực kỳ tàn bạo.
Duy Ái: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhân vật bất đồng chính kiến đang bị giam lõng ở Sài Gòn đã tỏ ý khen ngợi giới hữu trách Hà Nội về việc quyết định hủy bỏ nghị định 31/CP.
Bs Nguyễn Đan Quế: Theo tôi thì đây là một bước tiến rất tốt để thể hiện thiện chí của chính phủ Hà Nội về vấn đề nhân quyền trước khi tổng thống Bush sang thăm Việt Nam.
Duy Ái: Tuy nhiên theo giáo sư Nguyễn Thanh Giang thì việc chính quyền CSVN đợi mãi cho tới nay mới chuẩn bị hủy bỏ nghị định 31/CP là quá muộn.
Ts Nguyễn Thanh Giang: Lẽ ra đảng và chính phủ phải nhận ra sự tàn bạo và vô lý của nghị định này để hủy bỏ nó đi từ lâu, tiếc rằng cái đó không được làm một cách tự giác. Nay nghị định đó hủy bỏ không phải là do tự nhận thức được mà do có sự đấu tranh quyết liệt của các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước. Cũng như do sức ép quốc tế, trong đó có Mỹ và do sắp có hội nghị APEC thì người ta mới chịu hủy bỏ.
Điều này thể hiện ra như một người không còn lương tri, không còn trí khôn , không bảo ban được mà phải cần đến lời nói nặng, thậm chí cần đến sự đe dọa bị trừng phạt.
Duy Ái: Nhà tranh đấu cho dân chủ thuộc thế hệ trẻ ở Việt Nam, ông Đỗ Nam Hải, phát ngôn viên của Khối 8406 cũng không cho rằng việc hủy bỏ nghị định 31/CP là một bước tiến của Việt Nam trong nỗ lực cải cách chính trị, ông giải thích như sau:
Đỗ Nam Hải: Tôi cũng nghĩ như vậy, bởi vì nghị định 31/CP này được ký vào năm 1997. Cũng đã có rất nhiều người lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bãi bỏ nghị định 31/CP này. Thế nhưng mà cho tới hôm nay là 9 năm rồi thì mới được bãi bỏ. Nhưng cái này là cái họ áp dụng trước đây thôi nhưng hiện nay thì có nghị định SỐ 56/2006/NĐ-CP . Mà nghị định 56 lại còn ác ôn hơn nghị định 31 này. Cho nên người ta có bỏ nghị định 31 này thì những người đang đứng lên đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn có một cái vòng kim cô là nghị định 56.
Cho nên tôi không coi đây là một thắng lợi mà tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục đấu tranh để bãi bỏ tất cả những nghị định nào mà vi phạm quyền tự do dân chủ của người dân.
Duy Ái: Trong khi đó một vị đại biểu quốc hội và là một nhà sử học khá nổi tiếng ở Việt Nam là ông Dương Trung Quốc thì cho rằng việc bãi bỏ nghị định 31/CP là một việc bình thường để thích ứng với tình cảnh hiện nay, đặc biệt là sau đại hội 10 của đảng CSVN.
Dương Trung Quốc: Nếu bãi bỏ nghị định 31/CP thì tôi cho cũng là một sự tất yếu thôi. Nó cũng phản ảnh một quá trình phát triển tình hình ở Việt Nam ngày càng ổn định hơn và đặc biệt là nó đang ngày hội nhập với thế giới. Việc bỏ nghị định này thì tôi cho cũng là chuyện hết sức bình thường bởi vì trong dư luận xã hội thì cũng đã có những lúc được đặt ra xem có cần thiết tiếp tục nghị định ấy không vì nghị định đấy được hình thành trong một hoàn cảnh lịch sự tương đối cụ thể của thời điểm đó.
Rõ ràng là quá trình đổi mới vừa rồi, nhất là sau đại hội 10 thì quá trình dân chủ hóa nó được tiến triển. Tôi không nghĩ rằng do sức ép nào cả mà rõ ràng là xu thế tất yếu là như thế thôi.
Duy Ái: Ngoài việc bác bỏ ý kiến cho rằng sự thay đổi này phát sinh từ áp lực của quốc tế, ông Dương Trung Quốc còn cho biết rằng trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi những luật lệ để cho quyền con người ngày càng được bảo đảm hơn.
Dương Trung Quốc: Một xu thế rất rõ là những quyền của con người thì ngày càng được bảo đảm và được hòa nhập với tiêu chuẩn chung của thế giới. Tôi lấy ví dụ như một việc mà quốc hội vừa rồi đang bàn và sẽ thông qua về luật cư trú chẳng hạn. Những thủ tục như trước kia là làm hộ khẩu chẳng hạn, rõ ràng nó hình thành trong một hoàn cảnh lịch sử rất cụ thể của Việt Nam: thời kỳ chiến tranh, thời kỳ mà đời sống rất khó khăn, nhà nước phải phân phối từng nhu yếu phẩm một cho người dân. Sổ hộ khẩu nó có một tác dụng nhất định trong một thời kỳ nhất định. Rõ ràng nếu kéo dài tình trạng biến hộ khẩu thành một yếu tố cản trở quyền di trú của con người thì rõ ràng nó không còn thích hợp nữa.
Chính vì thế tôi nghĩ rằng xu thế là nó sẽ giải tỏa tất cả những yếu tố mà nó được hình thành trong quá trình lịch sử, nhất là thời kỳ chiến tranh, thời kỳ bao cấp và nó cũng sẽ dần dần được giải tỏa trong xu thế hội nhập chung.
Duy Ái: Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe một số ý kiến của các nhân sĩ ở Việt Nam về việc nghị định 31/CP sắp được hủy bỏ. Thay mặt cho ban Việt ngữ đài VOA chúng tôi xin cám ơn các ông Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Đan Quế, Đỗ Nam Hải và Dương Trung Quốc đã dành thời giờ cho chúng tôi tiếp chuyện và chúng tôi cũng xin cám ơn quý thính giả đã đón nghe tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này.